Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, sức khỏe của người dân đang bị đe dọa bởi chính những gì họ ăn mỗi ngày. Hàng triệu người đã chết vì thực phẩm không an toàn, trong đó có những hóa chất tích lũy dần mỗi ngày gây nên bệnh ung thư. Vấn đề an toàn thực phẩm có thực sự an toàn trở thành nỗi lo toàn cầu.
Trang bị kiến thức về hàm lượng dinh dưỡng, chất phụ gia là vô cùng quan trọng để đảm bảo sức khỏe. Ảnh: Healthmeup.
Bà Darunee Edwards, nguyên chủ tịch Hiệp hội Khoa học và Công nghệ thực phẩm Thái Lan cho rằng, Thái Lan có cùng nỗi lo với Việt Nam khi lượng thức ăn đường phố rất khó quản lý về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đất nước láng giềng này đang có những nỗ lực cơ bản như phát tờ rơi về cách hướng dẫn chọn thực phẩm, tư vấn dấu hiệu thực phẩm an toàn cho người dân. Việc nâng cao nhận thức về thực phẩm sạch, cách nhận biết về thực phẩm an toàn trở nên cần thiết giúp người dân tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Theo bà Darunee Edwards cho biết, lượng dinh dưỡng thất thoát từ rau củ sau khi chế biến là 15-50%, với ngũ cốc là 12-30%. Nếu tránh được thất thoát này, bảo quản kỹ sẽ đủ thực phẩm đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số trong tương lai. Dự báo dân số thế giới sẽ gia tăng thêm 50% vào năm 2050, kéo theo nhu cầu thực phẩm cần tăng 70% để đáp ứng nhu cầu. Áp lực từ nhu cầu thực phẩm tăng nhiều khả năng tác động đến chất lượng, độ an toàn của thực phẩm.
Tại triển lãm Food Ingredients Asia 2015 vừa qua ở TP HCM, chủ đề về hàm lượng chất phụ gia, an toàn thực phẩm... được nhiều người quan tâm. Những mối nguy từ thực phẩm bẩn bao gồm mối nguy vật lý như bị lẫn chất kim loại, xương, cát; mối nguy hóa học như lượng thuốc trừ sâu, hóa chất và mối nguy từ các vi sinh vật. Thậm chí, một sản phẩm đã chế biến xong còn phải đong đếm dư lượng chất bảo quản, phụ gia thật chắc chắn để đảm bảo an toàn đến tay người tiêu dùng.
Khánh Ly
Nhận xét
Đăng nhận xét